- Login
- Regsiter
Giảm lãi suất cho vay – Dư địa và động lực
Trong bối cảnh ngành ngân hàng cũng đang đối mặt với khả năng suy giảm tăng trưởng, từ rủi ro nợ xấu gia tăng và các hoạt động kinh doanh cũng đang tăng trưởng chậm lại, mục tiêu giảm lãi suất cho vay có quá thách thức?
Mục tiêu thách thức?
Sau nhiều lần hối thúc ngành ngân hàng hạ lãi suất cho vay, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 97, trong đó chính thức yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm ít nhất từ 1.5 - 2%/năm áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Như vậy, trái với những lần kêu gọi trước, yêu cầu lần này từ Chính phủ đã xác định một mục tiêu định lượng rõ ràng hơn, đặc biệt xác định luôn cả đối tượng cụ thể là bao gồm các khoản dư nợ hiện hữu và mới. Cần lưu ý rằng trước đây để đáp lại lời kêu gọi giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng có khuynh hưởng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất nhưng chỉ dành cho các khoản vay mới hoặc khách hàng mới.
Điều này cũng dễ hiểu, vì các nhà băng còn phải nhìn vào chi phí vốn theo từng giai đoạn của mình. Trong trường hợp giai đoạn trước các ngân hàng đã phải huy động vốn ở vùng lãi suất cao, dư nợ cho vay ra cùng thời điểm là từ nguồn vốn có chi phí đầu vào cao nên tất yếu cũng phải chịu lãi suất cao. Nếu về sau này, lãi suất tiền gửi hạ xuống, các khoản vay mới ở giai đoạn sau dĩ nhiên cũng sẽ được áp lãi suất cho vay tốt hơn dựa theo chi phí vốn của giai đoạn sau này đã được hạ xuống.
Đáng lưu ý là mục tiêu giảm thêm 1.5-2% được xem là khá lớn, khi đặt trong bối cảnh hiện nay, cũng như nhìn vào xu hướng lãi suất trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, theo chia sẻ từ đại diện NHNN, so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm 0.7%, hiện ở mức khoảng 5.8%/năm; trong khi lãi suất cho vay bình quân đã giảm 1% xuống mức khoảng 8.9%/ năm.
Đây được cho là kết quả từ chính sách nới lỏng tiền tệ trở lại của NHNN, thể hiện qua 4 lần giảm lãi suất điều hành, trong đó riêng trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng đã có 3 lần giảm với tổng mức giảm 1.25%. Nhà điều hành cũng tích cực bơm thanh khoản tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ gia tăng dự trữ ngoại hối, cũng như không tìm cách hút tiền về qua thị trường mở để trung hòa lượng tiền đã bơm ra như giai đoạn trước.
Nhìn vào bối cảnh nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn, áp lực chi phí lãi vay vẫn rất cao, cầu tiêu dùng suy yếu ảnh hưởng lên tăng trưởng, trong khi chính sách tài khóa vẫn chưa phát huy hết hiệu quả như kỳ vọng, nên mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay vẫn đang được đặt ra như là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Đặc biệt, dù theo thống lãi suất cho vay bình quân hiện ở mức 8.9%/ năm, nhưng thực tế lãi suất cho vay của các ngân hàng tại nhiều sản phẩm, phân khúc vẫn đang cao hơn rất nhiều so với mức bình quân này.
Sau yêu cầu của Chính phủ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) mới đây cũng công văn gửi tới các tổ chức tín dụng hội viên, kêu gọi trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính xem xét giảm lãi suất tiền vay đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1.5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác… tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Dư địa và động lực
Có thể nói mục tiêu trên là khá thách thức, trong bối cảnh ngành ngân hàng cũng đang đối mặt với khả năng suy giảm tăng trưởng, từ rủi ro nợ xấu gia tăng và các hoạt động kinh doanh cũng đang tăng trưởng chậm lại, từ phát triển tín dụng, bán chéo các sản phẩm khác như bancassurance hay trái phiếu doanh nghiệp.
Với nợ xấu toàn ngành nói chung cũng như nhiều ngân hàng nói riêng chứng kiến tăng nhanh trở lại từ đầu năm đến nay, do những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước, các ngân hàng đang đứng trước áp lực phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn và ảnh hưởng đến lợi nhuận, nên có thể là lực cản cho mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay. Dù vậy, gần đây NHNN cũng đã cho phép các nhà băng tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn khi ban hành thông tư 02/2023/TT-NHNN, nên có thể làm giảm bớt ảnh hưởng từ yếu tố này.
Trong khi đó, với tác động suy giảm nguồn thu nhập ngoài lãi do các mảng bancassurance hay trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt hơn, các ngân hàng cũng dễ có xu hướng tăng cường nguồn thu từ hoạt động tín dụng. Nhưng với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay không mấy khả quan, các nhà băng có thể giữ lãi suất cho vay cao để bù đắp. Tuy nhiên, để đối phó với thách thức này, một số ngân hàng thời gian qua đã tích cực khai thác trở lại các nguồn thu phí dịch vụ từ tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ,..
Sau các đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, cũng như đang tiếp tục giảm thêm kéo theo chi phí vốn đi xuống, tạo điều kiện lãi suất cho vay có thể giảm thêm. Một số dự báo cho rằng NHNN sẽ còn ít nhất một đợt giảm lãi suất điều hành nữa từ nay đến cuối năm, bất chấp việc các ngân hàng trung ương khác vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. |
Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố giúp dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn trong thời gian tới. Thứ nhất như đã nói, sau các đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, cũng như đang tiếp tục giảm thêm kéo theo chi phí vốn đi xuống, tạo điều kiện lãi suất cho vay có thể giảm thêm. Một số dự báo cho rằng NHNN sẽ còn ít nhất một đợt giảm lãi suất điều hành nữa từ nay đến cuối năm, bất chấp việc các ngân hàng trung ương khác vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
Với lạm phát tại Việt Nam vẫn ổn định và tiếp tục đi xuống, dư địa cho chính sách tiền tệ là vẫn còn. Cụ thể thống kê cho thấy trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0.17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1.7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2.5%, khó vượt qua 3% nên mục tiêu kiểm soát lạm phát là hoàn toàn đạt được.
Đơn cử như trong báo cáo vĩ mô đưa ra vào đầu tháng 7, Standard Chartered cũng dự báo, NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản, xuống còn 4% trong quý 3/2023 - cũng là mức tương tự những năm đại dịch và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Trong khi đó, ngân hàng UOB niềm tin vào tỷ giá hối đoái VND ổn định, dự đoán lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý 3/2023, trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá các tác động.
Thứ hai là tại buổi họp báo quý 2/2023 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, lượng tiền gửi trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang dư thừa. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng có động đẩy vốn ra rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau nhiều năm tăng trưởng huy động vốn luôn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng, số liệu 6 tháng đầu năm nay cho thấy tăng trưởng huy động có giai đoạn hiếm hoi cao hơn tăng trưởng tín dụng.
Thứ ba là với việc NHNN mới đây đã sớm nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng lên gần chạm mức mục tiêu cho cả năm nay là 14%, dư địa phát triển tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay là rất lớn. Với kỳ vọng nền kinh tế đang phục hồi dần, các nhà băng có thể sẽ tăng tốc tín dụng để đạt mục tiêu đề ra cho năm nay, tạo nền tảng tăng trưởng cho năm sau, vì vậy cũng có động lực giảm lãi suất cho vay nhiều hơn.
Thụy Nhiên